Lịch sử phát triển công nghệ gỗ - Chế biến lâm sản (Bài dịch)

    Thuật ngữ công nghệ thường được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày và trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ cụ thể. Công nghệ bao gồm khoa học về kiến thức và cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật hoặc hệ thống, phương pháp, tổ chức và các sản phẩm chính của chúng. Bản thân ý nghĩa của từ công nghệ cũng như ý nghĩa cụ thể của thuật ngữ công nghệ gỗ đã thay đổi trong nhiều thế kỷ qua trong các hệ thống sản xuất công nghiệp hóa. Bài này sẽ phân tích sự phát triển của công nghệ gỗ trong thời gian khoảng 300 năm dựa trên COST Actions và Nền tảng Công nghệ ngành Lâm nghiệp Châu Âu.

    1. Nguồn gốc của công nghệ gỗ

    Trong cuốn “Forest Journey—The Role of Wood in the Development of Civilization”, Perlin (1991) đã khẳng định vị trí quan trọng của gỗ trong sự phát triển của nền văn minh, và ông trình bày rằng gỗ là anh hùng thầm lặng của cuộc cách mạng công nghệ đã đưa chúng ta từ văn hóa của thời kỳ đồ đá cho đến thời đại hiện nay của chúng ta.

    Trong nhiều thế kỷ, gỗ nguyên liệu đóng vai trò là nhiên liệu chính bên cạnh việc sử dụng làm vật liệu xây dựng, và sự xuất hiện của nhiên liệu hóa thạch đã mang lại sự thay đổi lớn trong việc cung cấp nhiệt và nhiên liệu. Perlin cũng ghi chép sự khan hiếm gỗ trong suốt lịch sử của nền văn minh đã tạo ra những thay đổi và tiến bộ công nghệ.

    Tương tự, Perlin’s Chronicle Radkau (2007) nhấn mạnh vào những xung đột giữa sự phát triển công nghệ và sự thay đổi của nền văn minh, dẫn đến nạn phá rừng do sử dụng gỗ quá mức. Nhiều giai đoạn lịch sử, sự khan hiếm gỗ đã trở thành động lực cho việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, đổi mới sáng tạo và cá công nghệ mới, nhưng hiệu quả thu được và những đổi mới sáng tạo cũng thường đi kèm nhiều hiệu ứng ngược (Krafft 2009).

    Thời kỳ Cách mạng Công nghiệp với những thay đổi lớn trong nông nghiệp, sản xuất, khai khoáng và vận tải đã ảnh hưởng sâu sắc đến điều kiện kinh tế xã hội và văn hóa của các nền văn minh liên quan và đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại. Bên cạnh nghệ thuật, khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên tại các trường đại học, công nghệ với tư cách là một ngành khác dần xuất hiện với nền tảng là các viện cơ ký và khai khoáng (Mining and Mechanical Schools) như University of Technology in Ostrava (1716) và École Polytechnique ở Paris (1794)

    Có lẽ Beckmann là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “Technologie” vào năm 1777 trong ấn bản đầu tiên của cuốn sổ tay công nghệ (Hình 1, Beckmann 1780) và sau đó là các nhà công nghệ khác như Karmarsch (1825) của Institute of Polytechnique in Vienna với cuốn sách “Einleitung in die Lehren der Technologie” (giới thiệu về công nghệ).

    Sổ tay công nghệ của Beckmann năm 1777

    Sau đó, với tư cách là người đứng đầu của of The School of Polytechnique in Hannover, ông đã dành một chương để viết về công nghệ gỗ trong cuốn sổ tay công nghệ của mình (Karmarsch 1851)

    Trong tiếng Đức và một số ngôn ngữ châu Âu khác, có sự khác biệt giữa thuật ngữ “Technik” và “Technologie” mà không có trong tiếng Anh. Cả hai thuật ngữ thường được dịch là “Công nghệ”, nên người dùng phải nhớ thuật ngữ tiếng Đức “Technologie” không hoàn toàn giống với thuật ngữ tiếng Anh “Công nghệ”. Qua nhiều năm, thuật ngữ “Công nghệ” đã có nhiều thay đổi, ngày nay các từ điển và nhiều học giả vẫn đưa ra các định nghĩa khác nhau. Định nghĩa về “Công nghệ” được dùng nhiều nhất đã được thảo luận bởi Teischinger and Müller (2010), Công nghệ được định nghĩa là việc áp dụng trí tuệ và thể chất (trong một vài trường hợp được gọi là kỹ thuật) để tạo ra các thực thể bao gồm cả vật chất và phi vật chất để đáp ứng nhu cầu của con người và tạo ra giá trị (đôi khi cũng là những mối đe dọa).

    Vì có một mối liên kết chặt chẽ nhưng không riêng biệt giữa khoa học và công nghệ, nhiều trường đại học, học viện, sổ tay và tạp chí khoa học được thành lập với tiêu đề có chưa từ “technology” hoặc cụm từ “science and technology”. Ví dụ như, the Massachusetts Institute of Technology (MIT) của Mỹ tuyên bố sứ mệnh là: nâng cao kiến thức và giáo dục sinh viên về khoa học, công nghệ và các lĩnh vực học thuật khác phục vụ tốt nhất cho quốc gia và thế giới trong thế kỷ 21. (http://web.mit.edu). Ngoài ra, the International Academy of Wood Science cũng nhắc đến công nghệ (“Viện Khoa học Gỗ Quốc tế... Là một tổ hợp phi lợi nhuận của các nhà khoa học về gỗ, công nhận tất cả các lĩnh vực khoa học gỗ với các lĩnh vực công nghệ liên quan”) và Tạp chí “Wood Science and Technology” (http://www.iawsweb.org/) đã mở ra con đường từ khoa học đến công nghệ.

    2. Sự phát triển của công nghệ gỗ

    Sự phát triển của khoa học gỗ — cũng như một số khía cạnh của công nghệ, được ghi lại đầy đủ trong tập đầu tiên của tạp chí Wood Science and Technology (Coté et al. 1967) và một loạt bài trên Holz als Rohund Werkstoff (nay là European Journal of Wood and Wood Products). Cập nhật liên tục tài liệu về kiến thức mới trong khoa học gỗ — bên cạnh nhiều tạp chí khoa học về gỗ — được cung cấp bởi Springer Series in Wood Science (ed. R. Wimmer) cũng bao gồm các khía cạnh của công nghệ. Trước khi bắt đầu loạt bài khoa học về gỗ và cùng với nó, các cuốn sách và các tác phẩm được sưu tầm như “Wood and Cellulose Science” (Stamm 1964) và “Wood—Chemistry, Ultrastructure, Reaction” của Fengel và Wegener (1983) - cùng với nhiều tài liệu tổng hợp về khoa học gỗ và tài liệu chuyên môn khác được đề cập đến — đã xây dựng cơ sở sâu sắc về khoa học gỗ, tiếp theo là Hon và Shiraishi (1991) và Rowell (2005) tập trung vào hóa học gỗ và Niemz (1993) tập trung vào vật lý gỗ. Với các giáo trình của Bodig và Jayne (1982) và Smith et al. (2003) khoa học vật liệu gỗ và cơ học kỹ thuật được kết hợp và cung cấp sự hiểu biết sâu sắc về cơ học gỗ.

    Tiếp theo các tài liệu đầu tiên của Beckmann (1780) và Karmarsch (1851) —ngoài nhiều sách khác không thể liệt kê đầy đủ trong bài này — các sách của Kollmann (1936), Vorreiter (1949, 1958) bằng tiếng Đức và bản tiếng Anh Kollmann và Coté (1968) và Kollmann et al. (1975) cũng như Haygreen và Bowyer (1982) đã trở thành những tài liệu về công nghệ gỗ. Ngoài ra, nhiều khía cạnh công nghệ khác đã được các tác giả khác nhau đề cập một cách sâu hơn hoặc cụ thể hơn như: wood machining của Koch (1964), the field of wood adhesives and technology of bonding của Pizzi (1983) và Marra (1992), wood-based materials của Maloney (1977), Deppe và Erns (1977), Sellers (1985), Dunky và Niemz (2002), v.v. Với “Primary Wood Processing” của Walker (1993), một trong nhiều cuốn sách đề cập đến bước đầu tiên của quá trình chế biến gỗ được xuất bản.

    Tuy nhiên, việc nghiên cứu lại các công nghệ cũ như quy trình biến tính gỗ cũng được đề cập đến và lĩnh vực này đang có những bước phát triển lớn hiện nay, một phần do những vấn đề về môi trường liên quan đến việc sử dụng gỗ đã qua xử lý chất bảo quản. Hill (2006) đã cung cấp một cơ sở khoa học mới cho các công nghệ “xanh” trong bảo quản gỗ.

    Vấn đề của xã hội như tăng giá nhiên liệu, phát thải khí nhà kính và sự nóng lên toàn cầu liên quan đã tạo ra mối quan tâm lớn đối với khoa học và công nghệ trong quá trình sản xuất vật liệu, hóa chất và năng lượng bền vững từ các nguồn tài nguyên nội địa. Những việc này cho thấy rõ nhu cầu nghiên cứu khoa học theo định hướng thực tế.

    Với sự chú trọng ngày càng tăng vào nghiên cứu về gỗ và ngày càng có nhiều kiến thức mới trong lĩnh vực nghiên cứu này, nhiều tạp chí nghiên cứu về gỗ được thành lập để xây dựng kiến thức về khoa học và công nghệ gỗ (Bảng 1).

    Các tạp chí của lĩnh vực công nghệ gỗ

    Bảng 1 chỉ là các tạp chí nghiên cứu về gỗ chủ yếu của chuyên ngành, ngoài ra còn nhiều tạp chí khác liên quan đến lâm nghiệp, công nghệ giấy và bột giấy và các tạp chí về kỹ thuật gỗ nhưng không được liệt kê do rất khó phân rõ ranh giới của các tạp chí liên quan này. Cũng có thể nhận thấy rằng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến công nghệ gỗ được công bố trên các tạp chí liên quan đến khoa học vật liệu và vật liệu tổng hợp, chất kết dính và khoa học polyme, công nghệ tài nguyên sinh học, kỹ thuật hóa học và công nghệ, công nghệ sấy, v.v.

    Đây có phải là một thách thức đối với các tạp chí đã thành lập của cộng đồng khoa học và công nghệ gỗ hay việc này có thể được coi là đưa lĩnh vực gỗ vào trong các ngành khoa học và công nghệ vật liệu nói chung?

    Là một ngành khoa học, sự phát triển của công nghệ gỗ liên quan nhiều đến nghiên cứu lâm sản (tổng quan trên toàn thế giới về các viện nghiên cứu gỗ được đưa ra bởi Ellefson và cộng sự 2007) và giáo dục hàn lâm, thuộc nhánh 5.14.00 của IUFRO Division 5 “Forest Products” trên phạm vi toàn thế giới. Có nhiều mạng lưới quốc tế và quốc gia nhằm ghi lại và thúc đẩy các chương trình giáo dục về gỗ như Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Gỗ (the Society of Wood Science and Technology) (http://www.swst.org/). Quan sát những thay đổi toàn cầu, sự phát triển của xã hội, chắt lọc các tài liệu khác nhau về các chương trình giáo dục công nghệ gỗ, có thể khẳng định rằng điều rất quan trọng là phải xác định lại và đẩy mạnh nhiều chương trình trên toàn thế giới, để đón đầu tương lai và đưa công nghệ gỗ trở thành công nghệ then chốt của ngành trên cơ sở tái tạo (renewables-based).

    3. Các vấn đề trong công nghệ gỗ hiện nay

    Trong nhiều thập kỷ qua, các vấn đề chính và động lực của công nghệ gỗ đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiều nhưng cho đến nay không phải tất cả các vấn đề hiện tại của công nghệ gỗ đều được giải quyết bởi COST Actions trong lĩnh vực liên quan đến lâm nghiệp của COST (Forests, their Services and Products/FPS) như được tóm tắt trong Bảng 2.

    COST Actions trong lĩnh vực liên quan đến rừng của COST

    Nói chung, COST (http://www.cost.esf.org) là một khuôn khổ liên chính phủ cho Hợp tác Châu Âu về Khoa học và Công nghệ, cho phép điều phối các nghiên cứu do quốc gia tài trợ ở Châu Âu. FPS có sứ mệnh thúc đẩy nghiên cứu trong toàn bộ chuỗi lâm nghiệp - gỗ bằng cách cung cấp một nền tảng để điều phối hiệu quả các hoạt động nghiên cứu do quốc gia tài trợ trong các lĩnh vực lâm nghiệp, công nghệ gỗ và bột giấy & giấy. Phân tích các Hành động khác nhau trong FPS, rõ ràng là đã thay đổi trọng tâm trong những năm qua: từ tập trung vào công nghệ sang tập trung hơn liên quan đến môi trường.

    Mục đích của khoa học là xây dựng các khái niệm, lý thuyết và phương pháp mới nhằm tạo ra tri thức bằng cách sử dụng các kỹ thuật chính thức. Tuy nhiên, công nghệ là việc sử dụng kiến thức và các kỹ thuật để theo đuổi công việc kinh doanh và cuộc sống nói chung. Đối với các doanh nhân và tập đoàn, điều quan trọng là phải phát triển và lựa chọn công nghệ phù hợp để trở nên thành công và cạnh tranh trên thị trường. Đối với các cơ quan chính phủ và các nhà hoạch định chính trị, điều quan trọng là phải hỗ trợ các công nghệ phù hợp để làm cho nền kinh tế quốc gia thành công. Phần sau bao gồm việc đánh giá các tác động và nguy cơ của công nghệ bằng các nghiên cứu dự đoan về công nghệ, những nghiên cứu mà ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc giới thiệu công nghệ mới.

    Để hướng tới các công nghệ tương lai, nhiều cách tiếp cận sẽ được thực hiện. Hiện nay, sơ đồ hóa công nghệ là một công cụ được sử dụng thường xuyên để xây dựng một kế hoạch phù hợp với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn với các giải pháp công nghệ cụ thể nhằm giúp đáp ứng các mục tiêu đó của một công ty, cụm công nghiệp hoặc nền kinh tế quốc dân (Garcia và Bray 1997). Bên cạnh các tập đoàn và cụm công nghiệp gỗ (ví dụ như Kirstof và von Geibler 2008), các hiệp hội ngành gỗ và các tổ chức chính phủ đã phát động và hỗ trợ lộ trình để nghiên cứu tạo các sản phẩm gỗ với nhiều giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ nano trong các ngành sản xuất lâm sản, v.v. ở Mỹ, Canada và Châu Âu như Teischinger và Tiefenthaler (2009) đã đề cập.

    Năm 2003, Confédération Européenne des Industries du Bois (CEI-Bois) đã khởi động một quy trình để thiết lập “Lộ trình đến năm 2010 cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ Châu Âu” với mục tiêu chính là đưa ra một phân tích cập nhật về các yếu tố và thách thức chính ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chế biến gỗ Châu Âu, xác định các cơ hội cho ngành, mô tả vị trí lý tưởng và xây dựng chương trình hành động hướng tới năm 2010 (www.roadmap2010.eu). Lộ trình này đã trở thành hạt nhân quan trọng của các hoạt động R&D chiến lược trong ngành gỗ Châu Âu nhưng cũng là một công cụ quan trọng để thuyết phục các nhà hoạch định chính trị ở Châu Âu về tầm quan trọng của ngành gỗ ở Châu Âu.

    Với Nền tảng Công nghệ Châu Âu (ETP), Liên minh Châu Âu (EU) đã cung cấp một khuôn khổ cho các bên liên quan, dẫn đầu là ngành, xác định các ưu tiên nghiên cứu và phát triển, khung thời gian và kế hoạch hành động về một số vấn đề chiến lược quan trọng nhằm đạt được sự tăng trưởng trong tương lai của Châu Âu, các mục tiêu cạnh tranh và bền vững phụ thuộc vào các nghiên cứu lớn và tiến bộ công nghệ trong trung và dài hạn (http://cordis.europa.eu/technology-latforms/). Các ETP đang giải quyết những thách thức về công nghệ và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tập trung đầy đủ vào nguồn tài trợ nghiên cứu ở cấp châu Âu (ví dụ: Chương trình khung châu Âu) và cấp quốc gia, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác công tư.

    Với sự hỗ trợ của Ủy ban Châu Âu, ngành trên cơ sở lâm nghiệp Châu Âu, được đại diện bởi các liên minh khác nhau cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ, chủ rừng và ngành công nghiệp giấy, đã ra mắt nền tảng công nghệ ngành dựa trên cơ sở lâm nghiệp vào năm 2004 (www.forestplatform.org). Nền tảng này là dựa trên bản tầm nhìn “sử dụng tài nguyên rừng một cách sáng tạo và bền vững - tầm nhìn 2030” và chương trình nghiên cứu chiến lược về đổi mới, khả năng cạnh tranh và chất lượng cuộc sống.

    Ngoài chương trình nghiên cứu này, nhiều nước Châu Âu đã phát triển các chương trình nghiên cứu quốc gia. Đọc các chương trình nghiên cứu quốc gia và châu Âu, người ta có thể phân tích các chủ đề nghiên cứu khác nhau được giải quyết dọc theo 5 chuỗi giá trị (VC) khác nhau như: chuỗi giá trị lâm nghiệp, chuỗi giá trị lâm sản, chuỗi giá trị bột giấy và giấy, chuỗi giá trị lâm đặc sản (bao gồm nhà máy lọc sinh học) và chuỗi giá trị năng lượng sinh học.

    4. Các lĩnh vực tương lai của công nghệ gỗ

    Bên cạnh các lộ trình khác nhau và chương trình nghiên cứu của Nền tảng Công nghệ Lâm nghiệp được đề cập ở trên, COST Action E44 “Chiến lược Chế biến Gỗ Châu Âu” (Van Acker và Fioravanti 2008), nhiều bài báo và bài luận đang hình dung về tương lai của công nghệ gỗ như Wegener (1995), Sutton (2000), Youngs (2007), Winandy và cộng sự. (2008) vv ... Kết luận chung, người ta có thể khẳng định rằng ngành trồng rừng về cơ bản là một ngành công nghiệp trưởng thành cần phải trẻ hóa và đổi mới khoa học và công nghệ sẽ là động lực quan trọng cho các cải tiến gia tăng và các quá trình đột phá.

    Những thách thức và các chương trình cải tiến hoặc công nghệ mới có thể được xác định trong toàn bộ chuỗi cung ứng và chế biến gỗ:

    Nguồn cung cấp gỗ — Tài nguyên rừng đang bị hạn chế giữa nhu cầu ngày càng tăng (bao gồm cả nhu cầu tăng nhanh về gỗ dùng cho năng lượng) và các hạn chế về môi trường. Điều này mở ra việc phân bổ nguyên liệu cho các khu rừng nguyên sinh, rừng trồng, nông lâm kết hợp và các nguồn tài nguyên nông nghiệp đã được thảo luận bởi Scarascia-Mugnozza và Pisanelli (2008). Phổ nguyên liệu mới này, bao gồm cả việc sử dụng ngày càng nhiều vật liệu tái chế, sẽ có tác động rất lớn đến công nghệ gỗ và thiết kế vật liệu.

    Gỗ trong xây dựng — Gỗ là nguyên liệu được tổng hợp và tối ưu hóa cao từ thiên nhiên với chức năng chịu lực là một trong những chức năng chính của nó. Sử dụng gỗ làm gỗ trong xây dựng bên cạnh các đặc tính tự nhiên, con người vẫn có thể cải thiện tính năng cơ học của gỗ bằng cách phân loại thích hợp và loại trừ các khuyết tật tự nhiên và tính không đồng nhất cũng như tạo ra các cấu trúc vật liệu theo thiết kế. Mô hình mô phỏng vật liệu và cấu kiện xây dựng sẽ trở thành một công cụ chính để hiểu và cải tiến các vật liệu và cấu kiện.

    Kỹ thuật vật liệu — Vật liệu compozit gỗ được chế tạo ở tất cả các cấp (từ cấu trúc thô đại đến cấu trúc nano) đã là một lĩnh vực nghiên cứu công nghệ chính và sẽ càng trở nên quan trọng hơn để làm cho vật liệu gỗ trở nên cạnh tranh hơn. Tập trung vào tài nguyên và hiệu quả kinh tế của vật liệu, bao gồm cả nguyên liệu từ bất kỳ nguồn tái tạo nào, giúp chúng ta đạt được “Vật liệu compozit xanh - Green Composites” như Baillie đã dự đoán (2004).

    Tính thẩm mỹ của gỗ — Hình thái và thành phần hóa học bao gồm nhiều hợp chất khác nhau tạo ra tính thẩm mỹ của bề mặt gỗ mà vật liệu khác không thể bắt chước, đặc biệt là với các loại gỗ lá rộng. Nhưng rất tiếc, màu sắc của gỗ không bền với tia cực tím, vì vậy đây là một thách thức trong việc ngăn ngừa sự phai màu và bạc màu khi sử dụng trong nhà và ứng dụng ngoài.

    Biến tính gỗ — Trong những năm qua, nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh nhiều đến việc biến tính gỗ làm cho gỗ bền và ổn định hơn, v.v. Việc đưa các tính năng mới vào gỗ hoặc bề mặt gỗ là rất cần thiết để tạo ra vật liệu gỗ mới, mở đường cho cái gọi là vật liệu thông minh.

    Phân tách gỗ — Các quá trình phân hủy cơ học và phân hủy hóa học khác nhau được thiết lập để phá vỡ và phân tách gỗ, sau đó sắp xếp và tái thiết kế gỗ thành các thành phần kết dính, ván nhân tạo, giấy, v.v., tuy nhiên, các quá trình này cần được nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa.

    Gia công và chế biến — Chế biến gỗ sơ cấp và thứ cấp đã được cải thiện rất nhiều trong những thập kỷ qua (ví dụ: máy cưa công suất cao, máy ép liên tục cho các tấm gỗ, gia công gỗ hiệu suất cao), nhưng công nghệ quy trình mới, các khái niệm sản xuất (tùy chỉnh hàng loạt, may đo sản phẩm, v.v.) phải được phát triển. Các quy trình có hiệu quả về tài nguyên và sinh thái phải được đưa ra trong công nghiệp gỗ bằng cách cải tiến quy trình và phân tích quy trình mới như đã được thảo luận bởi Kessler (2006) và các hệ thống quản lý sản xuất, đã là một phần của khái niệm sản xuất dựa trên tri thức.

    Tinh chế gỗ — Ứng dụng các quy trình nhiệt hóa, công nghệ sinh học để phá vỡ kết cấu lignoxenluloza thành thành phần có thể ứng dụng cho ngành công nghiệp hóa chất và năng lượng — thuật ngữ “công nghệ sinh khối tích hợp” và “công nghệ sinh học gỗ” đã trở thành từ khóa trong sự xuất hiện của một lĩnh vực công nghiệp mới của các công nghệ dựa trên năng lượng tái tạo, được phác thảo bởi Dewulf và van Langenhove (2006). Ngày nay chúng ta đang ở trong một mê cung của các cách tiếp cận khác nhau mặc dù đầy tham vọng để chuyển đổi các lignocelluloses để chúng có thể được sử dụng cho các quá trình tiếp theo. Mặc dù các phần của khái niệm đó đã tồn tại, nhưng vẫn còn thiếu một bước đột phá sâu rộng.

    Tái chế, thu hồi — Ngay cả khi phần lớn các sản phẩm gỗ được coi là sản phẩm trung và dài hạn, việc sử dụng nhiều gỗ sẽ tạo nên một nguồn nguyên liệu thứ cấp khổng lồ được sử dụng làm nguyên liệu và/hoặc chất tải năng lượng. Công nghệ gỗ sẽ có vai trò quan trọng trong khái niệm sử dụng gỗ theo tầng (cascadic use of wood).

    Định giá công nghệ — Trong tương lai, sự phát triển của công nghệ mới phải đi kèm với định giá công nghệ (như được mô tả bởi Bröchler và cộng sự 1999). Khi tiến bộ công nghệ được theo đuổi, một khái niệm về việc lựa chọn công nghệ thích hợp phải được thực hiện để giảm thiểu rủi ro và hiểm họa môi trường nhưng vẫn mang lại tương lai tốt đẹp. Việc lựa chọn vật liệu và công nghệ theo định hướng sinh thái — dựa trên các chỉ số khác nhau hiện đang được thảo luận — phải trở thành yếu tố bắt buộc của quá trình sản xuất trong tương lai.

    Giáo dục công nghệ — Công nghệ gỗ với tư cách là một ngành học phải được phát triển hơn nữa (và được thảo luận trong cộng đồng khoa học và công nghệ gỗ) bao gồm các chương trình giảng dạy chuẩn nhằm cung cấp một nền giáo dục công nghệ sâu sắc cho sinh viên, phải tạo ra nền tảng trí tuệ của các ngành công nghiệp rừng trong tương lai cũng như một xã hội dựa trên tri thức.

    Kết luận

    Bài luận này là đã tóm tắt từ lịch sử đến hiện trọng của công nghệ gỗ, bao gồm cả triển vọng về tương lai. Do những hạn chế về không gian nên nhiều lĩnh vực khác của công nghệ gỗ chưa được đề cập. Tuy nhiên, mục đích chính của bài này là thảo luận về mối liên hệ giữa khoa học và công nghệ gỗ để chỉ ra rằng các nhà khoa học chuẩn bị nền tảng của kiến thức mới và các nhà công nghệ phải mở con đường tri thức cho các ngành thủ công và các ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo ra các sản phẩm mong muốn và giải quyết các vấn đề đặt ra. Ngoài ra, có thể nhận thấy rằng các bên liên quan không phải lúc nào cũng chỉ đạo theo cùng một hướng.

    Nguồn

    Teischinger, A. The development of wood technology and technology developments in the wood industries—from history to future. Eur. J. Wood Prod. 68, 281–287 (2010). https://doi.org/10.1007/s00107-010-0458-2

    Bài dịch còn nhiều từ ngữ sử dụng chưa được chính xác, rất mong nhận được góp ý của bạn đọc để tác giả chỉnh sửa sao cho có được bài dịch dễ hiểu hơn và đạt chất lượng tốt nhất. Mọi góp ý xin để lại ở khung Comment phần cuối bài viết.
    Trân trọng cảm ơn!