Là sản phẩm được tạo ra bằng cách ghép các thanh gỗ nhỏ và/ hoặc ngắn lại với nhau nhờ chất kết dính trong điều kiện áp suất, nhiệt độ và thời gian nhất định. 
        Các thanh gỗ có thể được ghép với nhau theo các chiều: dài, rộng và dày tuỳ thuộc vào yêu cầu và mục đích sử dụng sản phẩm.

    What is glulam - Glulam | Timber architecture, Timber roof, Timber structure

    (Nguồn: pinterest) 

         Lịch sử hình thành và phát triển: Công trình gỗ ghép thanh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là phòng họp của trường Đại học King Edward VI ở Southampton nước Anh vào năm 1866. Sự phát triển rõ rệt của ngành công nghiệp gỗ ghép thanh là sự ra đời của chất kết dính phenol-resorcinol-formaldehyde (PRF) chịu nước vào năm 1942. Điều này cho phép sử dụng gỗ ghép thanh trong môi trường ngoài trời và điều kiện ẩm, nhiệt cao. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên xây dựng tiêu chuẩn sản xuất cho gỗ ghép thanh và công bố vào năm 1963.

    Công nghệ sản xuất gỗ ghép thanh được phát triển rất nhanh từ nửa sau của thế kỷ XX, sản phẩm chủ yếu được dùng trong đồ mộc gia dụng và mộc xây dựng. 

    Ở Việt Nam, công nghiệp sản xuất gỗ ghép thanh được bắt đầu vào những năm 1980. Ván ghép thanh ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ các loài cây rừng trồng như: Keo tai tượng (Acacia mangium), Keo lá tràm (Acacia auriculiformis), Keo lai (Acacia hybrid), Cao su (Hevea brasiliensis),... Sản phẩm chủ yếu được dùng làm nguyên liệu cho sản xuất đồ mộc nội, ngoại thất.

    Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày nay gỗ ghép thanh đã được sử dụng đa dạng hơn trong nhiều lĩnh vực, như: Xây dựng nhà gỗ, cầu gỗ, sàn công ten nơ, đồ mộc… với nhiều tính năng mới về công năng, độ bền và thân thiện môi trường.

    Đặc điểm của gỗ ghép thanh:

    - Gỗ nhỏ tạo thành vật liệu lớn, gỗ chất lượng kém/ khuyết tật tạo thành vật liệu tốt: Do gỗ ghép thanh được liên kết từ những thanh nguyên liệu nhỏ theo phương chiều dài, chiều rộng và chiều dày tạo thành, do đó có thể sản xuất ra sản phẩm có kích thước tuỳ thuộc theo mục đích sử dụng. Trước khi ghép keo, các thanh nguyên liệu gỗ cần được loại bỏ những khuyết tật như mấu mắt, lỗ mọt, những phần bị mục, cong, rỗng tâm,…, sau đó mới dán ghép để tạo thành sản phẩm. 

    - Tính đa công năng trong sử dụng: Gỗ ghép thanh có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực, như: Xây dựng (đặc biệt xây dựng nhà có khẩu độ lớn), đồ mộc nội và ngoại thất, trong giao thông vận tải…

    - Nâng cao độ bền cơ học và tỷ lệ lợi dụng gỗ: Trong quá trình sản xuất có thể khống chế được độ thẳng thớ của nguyên liệu khi xếp phôi, từ đó giảm được sự ảnh hưởng của hiện tượng nghiêng thớ hoặc loạn thớ đến độ bền cơ học của vật liệu, các lớp gỗ có thể được dựa theo nguyên tắc lớp ngoài cùng được sử dụng những loại gỗ có chất lượng cao, lớp trong cùng sử dụng những loại gỗ có chất lượng tương đối thấp, như vậy sẽ tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt. 

    - Nhược điểm: (1) Tỷ lệ lợi dụng nguyên liệu thấp (khoảng 30-35%), (2) gỗ ghép thanh có sử dụng keo dán nên cần lưu ý về chất phát thải, như: Formaldehyde, các chất hữu cơ bay hơi/VOC...

    Phân loại gỗ ghép thanh: 

    - Theo kết cấu, gồm: Gỗ/ ván một lớp, gỗ/ ván nhiều lớp, ván có kết cấu vuông góc, gỗ/ ván không phủ mặt và ván có phủ mặt.

    - Phân loại theo mục đích sử dụng: Gỗ ghép thanh dùng trong xây dựng và gỗ ghép thanh dùng để sản xuất đồ mộc

    - Phân loại theo môi trường sử dụng: Gỗ dùng trong nhà và Gỗ ghép thanh dùng ngoài trời.


    Bài viết tiếp theo sẽ giới thiệu về: Xử lý gỗ

    Rất mong nhận được chia sẻ từ cộng đồng người làm nghề gỗ Việt

    GS.TS. Phạm Văn Chương